Giám sát thi công hiệu quả mang lại cho gia chủ sự yên tâm, tin tưởng và hài lòng tuyệt đối khi ngôi nhà được hoàn thành.
Trong xây dựng, giám sát thi công đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và tiến độ của công trình. Thông thường, gia chủ hoặc người thân sẽ tự giám sát để để tiết kiệm chi phí, tuy nhiên kiến thức chuyên môn về xây dựng cũng như thời gian giám sát của họ sẽ bị hạn chế làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vậy làm sao để tự giám sát thi công hiệu quả? Chúng tôi xin chia sẻ một số kinh nghiệm quản lý trong quá trình xây nhà chất lượng với những bí quyết như sau:
Giám sát thi công hiệu quả phải bắt đầu ngay từ khâu thiết kế.
Vai trò giám sát trong giai đoạn này là đảm bảo tất cả những yêu cầu của gia chủ đều được thể hiện trên hồ sơ thiết kế và mọi chi phí dự toán đều khớp với ngân sách. Thực tế có hai bản vẽ quan trọng nhất bạn phải nắm rõ: Hồ sơ thiết kế và Hồ sơ kỹ thuật.
– Hồ sơ thiết kế là bản vẽ thể hiện chi tiết các mặt đứng, mặt cắt và phối cảnh 3D của ngôi nhà. Gia chủ nên yêu cầu kiến trúc sư cung cấp mô hình 3D để hình dung rõ ràng về những hạng mục sẽ xây dựng.
– Hồ sơ kỹ thuật là bản vẽ hoàn chỉnh nhất, thể hiện chi tiết các hạng mục xây dựng (bao gồm nguồn gốc, chủng loại, khối lượng, đơn giá….) dùng để xác định giá trị dự toán của ngôi nhà. Bạn hãy cẩn thận kiểm tra mục này vì chỉ cần sai sót một chút về các yếu tố trên thì đơn giá vật tư đã thay đổi khác biệt. Tham khảo nhà thầu và đơn giá từ những nhà cung cấp tại địa phương để chọn vật liệu phù hợp với yêu cầu thiết kế và giá cả hợp lý nhất.
Giám sát và nghiệm thu từng công đoạn theo tiến độ thi công phần thô
Phần thô được xem là phần quan trọng bậc nhất vì là hạng mục tiền đề, cốt lõi cho tất cả các hạng mục kế tiếp. Giám sát trong giai đoạn này bao gồm theo dõi tiến độ từng công đoạn, kiểm tra tất cả vật liệu có đúng khối lượng, đúng chủng loại và từng hạng mục thi công có đúng theo thiết kế và đảm chất lượng hay không… Đây cũng là giai đoạn xảy ra nhiều mâu thuẫn giữa kiến trúc sư và nhà thầu do chưa có tiếng nói chung giữa kế hoạch và thực tế. Hạn chế điều này, chủ nhà cần tạo ra sự ràng buộc giữa 3 bên và thông tin minh bạch trong suốt quá trình từ thiết kế đến thi công cho đến lúc nghiệm thu. Để chủ nhà với quỹ thời gian hạn hẹp mà vẫn tự giám sát thi công hiệu quả, các nhà thầu có chuyên môn cao sẽ tạo ra một nhóm liên lạc trên mạng xã hội thông qua điện thoại, từng công đoạn sẽ được nghiệm thu bằng hình ảnh ngay lập tức cho tất cả các bên. Nhờ đó gia chủ có thể yên tâm dù không có mặt ở công trình và có thể can thiệp kịp thời nếu có bất cứ vấn đề nào xảy ra. Ngoài ra, cuối công trình sẽ có video quay lại toàn bộ quá trình xây dựng và gửi lại cho gia chủ.
Trong quá trình xây dựng, sẽ có những tác động khiến bạn muốn thay đổi một phần nào đó của thiết kế nhưng lời khuyên là hãy kiên định với những thứ ban đầu và đầu tư vào phần trang trí. Nếu có những lý do khách quan buộc phải thay đổi, hãy trao đổi với kiến trúc sư và nhà thầu để cùng nhau tìm ra giải pháp hiệu quả nhất căn cứ vào tình hình thực tế.
Giám sát các công tác hoàn thiện phối hợp theo đúng trình tự
Phần hoàn thiện tuy nhẹ nhàng hơn nhưng sẽ quyết định mỹ quan cũng như tiện nghi của cả ngôi nhà. Để tự giám sát thi công hiệu quả, gia chủ phải giám sát khâu chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo nếu đã tiến hành hoàn thiện thì không còn bất kỳ công tác thi công, đục đẽo nào làm hư hỏng hoặc cản trở phần hoàn thiện nữa. Ví dụ, với nhà có tầng, phần hoàn thiện nên làm từ tầng trên xuống tầng dưới để hạn chế qua lại, tránh làm ảnh hưởng tới chất lượng nơi đã hoàn thiện.
Trên một mặt bằng, chỉ được thi công một công tác hoàn thiện. Quá trình hoàn thiện ngôi nhà được thực hiện lần lượt theo quy trình các bước: từ trát bả tường, láng sàn; ốp lát gạch; sơn, vôi tường; đến lắp đặt hệ thống kỹ thuật điện và cuối cùng là lắp đặt nội thất.
Một số bí quyết kiểm tra các công tác hoàn thiện hiệu quả
– Mặt trát bả tường và láng sàn phải phẳng, không được có vết nứt nhỏ. Gõ nhẹ lên mặt nếu có tiếng bộp chứng tỏ lớp vữa bị bong, không bám dính mặt tường, phải cậy bỏ. Nếu nghi ngờ có thể sử dụng những dụng cụ đo chuyên dụng để kiểm tra chính xác.
– Mặt lát ốp gạch phải phẳng và độ dốc đạt yêu cầu. Mạch lát phải thật khít, không có gờ hay nổi cộm, đầy vữa nhưng không bị ố bề mặt.
– Bề mặt sơn, vôi tường phải đồng đều màu sắc, không có vết ố, vết loang lổ. Mặt lớp sơn phải bóng, không có bọt bong bóng khí, vón cục hay rạn nứt.
– Sau khi tô xong sàn và tường sẽ tiến hành lắp đặt hệ thống điện. Kiểm tra các vị trí nối dây điện phải được nối buộc cẩn thận đúng kỹ thuật và được quấn cẩn thận bằng băng keo đen chuyên dụng. Lời khuyên dành cho bạn là cần có một đội chuyên về cơ điện đảm nhận, nếu có bất cứ thay đổi gì cần có sự tư vấn của kiến trúc sư để có được giải pháp phù hợp nhất với thiết kế.