Tóm tắt: Vốn đầu tư xây dựng cơ bản đóng góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Trong những năm gần đây, tỷ trọng đầu tư của khu vực nhà nước đang giảm dần phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về khuyến khích sự tham gia của khu vực ngoài nhà nước cho đầu tư phát triển (từ 39,4% giai đoạn 2011-2015 giảm xuống còn 35,7% năm 2017). Tuy vậy, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ bản của nước ta còn rất lớn, quy mô vốn đầu tư xây dựng cơ bản bằng ngân sách nhà nước theo giá trị tuyệt đối vẫn tăng liên tục, từ 208.306 tỷ đồng năm 2011 lên 265.023 tỷ đồng năm 2016.
Cho đến nay, việc quản lý chi phí và hình thành giá xây dựng tại Việt Nam vẫn còn đang có sự khác biệt giữa phần vốn nhà nước và phần vốn tư nhân. Việc hình thành giá xây dựng sử dụng vốn nhà nước được đánh giá là còn nhiều bất cập, có tỷ lệ thất thoát, lãng phí đáng kể. Việc tính đúng, tính đủ tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình là hết sức cần thiết cho quản lý nhà nước, quản lý dự án của chủ đầu tư và các nhà thầu xây dựng vốn nhà nước và các nguồn vốn khác.
Việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế từ các nước phát triển có nền kinh tế thị trường lâu đời, cũng như những nước có nền kinh tế mới nổi, chuyển đổi kinh tế kế hoạch hóa sang kinh tế thị trường tương tự như nước ta để từ đó so sánh, đánh giá và cập nhật nhằm đổi mới hệ thống hình thành giá dự toán xây dựng vì thế là hết sức cần thiết.
1. Một số bất cập của hệ thống hình thành giá xây dựng tại Việt Nam
Nghiên cứu nhiều tài liệu cho thấy hệ thống hình thành dự toán xây dựng Việt Nam còn chậm đổi mới, còn tồn tại một số bất cập phải kể đến như:
– Mặc dù nhiều năm qua, hệ thống định mức luôn được cập nhật, bổ sung, nhưng vẫn chưa theo kịp thực tiễn đổi mới. hệ thống định mức chưa phù hợp với công nghệ, vật liệu ngày càng phát triển và thiết bị ngày càng hiện đại;
– Đơn giá xây dựng hiện hành chưa phù hợp điều kiện xây dựng và giá thị trường tại các vực xây dựng;
– Việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng chưa có một quy tắc cụ thể quy định các bộ phận kết cấu công trình. Việc phân chia bộ phận kết cấu công trình tính toán chi phí thường chỉ theo kinh nghiệm các chuyên gia định giá. Khi lập dự toán chi phí các chuyên gia định giá xây dựng thường bóc tách khối lượng theo các bộ phận khác nhau để ra giá khác nhau nhằm đảm bảo lợi ích về phía mình.
– Việc hình thành giá theo các công tác định mức còn nhiều bất cập như không phản ánh được yếu tố tiến độ ảnh hưởng đến giá công trình khi sử dụng hệ thống định mức đơn giá xây dựng dự toán. Đối với các công trình cần tiến độ nhanh thì rõ ràng chi phí sẽ bị đội lên, tuy nhiên trong dự toán sử dụng định mức sẽ không thể hiện được điều đó. Hiện còn nhiều định mức mới chưa được công bố làm cho các chủ đầu tư gặp khó khăn trong việc hình thành giá xây dựng;
– Vẫn còn hiện tượng mất cân đối về cung cầu vật liệu, giá cả của một số yếu tố đầu vào trên thị trường tăng đột biến trong một số giai đoạn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình làm gia tăng chi phí đầu tư xây dựng công trình. Trong khi đó hệ thống công bố giá địa phương chậm cập nhật, gây khó khăn trong quá trình quản lý chi phí của công trình. (Giá nhiều loại vật tư, vật liệu xây dựng như giá xăng dầu, sắt thép các loại, nhựa đường, xi măng, cát, đá, sỏi, gạch các loại, kính các loại tăng mạnh giai đoạn 2007-2008; giá cát tăng bất thường cuối năm 2017 và năm 2018);
– Đối với nhân công xây dựng, việc công bố giá nhân công của các địa phương theo cấp bậc thợ hiện nay chưa thực sự phù hợp với cách thức trả tiền công cho công nhân xây dựng thực tế. Thực tế là tỷ lệ lao động tham gia vào thị trường xây dựng qua đào tạo thấp; thiếu lao động tay nghề cao trong một số công trình có công nghệ, kỹ thuật phức tạp, thiếu nhân công tay nghề cao và có khả năng làm chủ các máy móc thiết bị hiện đại.
– Đối với phần chi phí máy thi công hiện nay, việc hình thành giá theo dự toán được tính toán theo hướng khấu hao thiết bị theo quy định của Bộ tài chính. Hiện nay, đối với một số tập đoàn và tổng công ty lớn với chủng loại máy sẵn có là các máy móc cũ, có những máy móc đã trên 20 năm sử dụng. Một số nhà thầu tư nhân có quy mô vừa và nhỏ thường không đầu tư máy móc mà thường sử dụng các đơn vị cho thuê máy xây dựng để phục vụ công tác thi công, bởi tính tiện dụng, hiệu quả và năng suất cao hơn. Theo khảo sát thì có khoảng 70% số lượng máy được các nhà thầu đi thuê.
– Nhà nước chưa ban hành các bộ đơn giá xây dựng tổng hợp, do vậy kỹ sư định giá xác định đơn giá xây dựng tổng hợp bằng cách cộng gộp các đơn giá chi tiết lại với nhau. Việc này khiến cho thời gian lập dự toán kéo dài và làm phức tạp hóa vấn đề.
2. Kinh nghiệm quốc tế về hệ thống hình thành giá xây dựng
2.1. Hệ thống hình thánh giá của các nước Mỹ và Pháp
Tại các nước công nghệ phát triển với nền kinh tế thị trường, bản chất của việc xác định dự toán chi phí xây dựng là xác định mức giá thực và các dự báo. Cơ sở của việc xác định chi phí xây dựng này là hệ thống dữ liệu thống kê quốc gia, các hợp đồng đã hoàn thành, bộ dự toán xây dựng hàng năm…ngoài ra việc bắt buộc là phải thực hiện kiểm soát hình thành giá xây dựng.
Để hiểu rõ hơn về dự toán xây dựng tại Mỹ và Pháp chúng ta nghiên cứu bộ dữ liệu dự toán xây dựng RS Means Building construction cost data (dự toán xây dựng công trình dân dụng Mỹ, do Công ty RS Means ban hành năm 2010) và Chi phí các công tác xây dựng, Pháp, ban hành năm 2009. Đây là các bộ dữ liệu dự toán của tổ chức tư nhân có uy tín tại Mỹ và Pháp ban hành, rất nhiều các công trình đã sử dụng bộ dữ liệu dự toán xây dựng này để quản lý giá xây dựng công trình hiệu quả.
a) Bộ giá dự toán xây dựng Mỹ (RS Means Building construction cost data)
Tại Mỹ, từ 1942 Tập đoàn đa quốc gia R.S.Means Co.IncorporatedLtd đã công bố hệ thống xác định chi phí xây dựng mà cơ sở của nó là Bộ dự toán xây dựng hàng năm, bao gồm dự toán xây dựng trung bình toàn nước Mỹ (kể cả giá xây dựng tổng hợp). Việc điều tiết các quan hệ trong lĩnh vực kinh tế xây dựng Mỹ từ năm 1905 là Bộ tiêu chuẩn và dự toán xây dựng Building Codes and Standards. Việc lập kế hoạch chi phí xây dựng theo nguyên tắc phân chia chi phí xây dựng công trình theo giai đoạn triển khai dự án. Nguyên tắc này cho phép chủ đầu tư phân bổ nguồn lực hợp lý, xây dựng kế hoạch tài chính và phòng ngừa các chi phí không lường trước được. Đồng thời tại mỗi giai đoạn có thể so sánh các nhiệm vụ xây dựng khác nhau với nhau.
Bộ giá dự toán xây dựng chi tiết chia thành 44 chương theo bảng phân loại CSI (Commercial Systems Integration) của Master Format 2004. Master Format là hệ thống phân chia các kết cấu công trình, định danh tất cả các loại kết cấu công trình. Việc lập dự toán hay chào thầu cũng dựa theo các loại kết cấu công trình này để hình thành giá. Giá dự toán xây dựng chi tiết có cấu trúc chi tiết chi phí theo bảng 1.
(Bảng 1: Kết cấu giá dự toán xây dựng chi tiết)
Mã công ty RS Means (4 chữ số) | Tên quá trình xây dựng | Tổ đội | Năng suất 1 ca làm việc | Chi phí nhân công ng/g | Đơn vị tính | Chi phí trực tiếp | Tổng, bao gồm chi phí gián tiếp và lợi nhuận | |||
Vật liệu | Nhân công | Máy | Tổng | |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 |
Cột đầu tiên là mã công ty Means (4 chữ số). Mã giá dự toán bao gồm 12 chữ số: mã chương (2 chữ số đầu tiên), mã mục (2 chữ số thứ 2), mã nhóm (2 chữ số thứ 3), mã phân nhóm (2 chữ số thứ 4), mã công ty (4 chữ số) – tổng 12 chữ số. 8 chữ số đầu tiên có nguồn gốc từ Master Format 2004, đây là hệ thống dự toán được sử dụng trong ngành xây dựng tại Mỹ cho đến ngày nay. Thí dụ mã giá dự toán xây dựng như sau: 03 30 53.40 3920 (12 chữ số). Cụ thể như sau:
– 03 – mã chương bê tông, tương ứng với Master Format Division (03);
– 03 30 53 – mã nhóm biến thể của bê tông liền khối, tương ứng với Master Format Level 3 (03 30 53);
– 03 30 53.40 – mã phân nhóm của công tác bê tông, tương ứng với Master Format Level 4 (03 30 53);
03 30 53.40 3920 – mã giá xây dựng chi tiết (39 20 là mã số của công ty RS Means).
Cột “chi phí trực tiếp” 7-10 thể hiện chi phí vật liệu, nhân công, máy xây dựng cho 1 đơn vị khối lượng của giá xây dựng chi tiết. Những chi tiết trực tiếp này không bao gồm các hao hụt không thể khắc phục được, chi phí gián tiếp của dự án (chi phí gián tiếp của tổng thầu), bảo hiểm, lương, chi phí hành chính gián tiếp của tổng thầu, cũng như lợi nhuận.
Các giá trị ở cột 11 “Tổng, bao gồm chi phí gián tiếp và lợi nhuận” là kết quả cộng tổng các thành phần sau đây:
– Chi phí trực tiếp cho vật liệu xây dựng, với hệ số 1,10 cho lợi nhuận;
– Chi phí trực tiếp cho lương công nhân, chi phí gián tiếp và lợi nhuận;
– Chi phí trực tiếp vận hành máy xây dựng với hệ số 1,10 cho lợi nhuận;
Chi phí vật liệu xây dựng được công ty RS Means xây dựng trên cơ sở thu thập, phân tích dữ liệu thực tế.
Chi phí lương công nhân là giá trị trung bình của 30 thành phố tại Mỹ. Lương công nhân lấy theo thỏa ước lao động của các công đoàn xây dựng hoặc theo mức lương phổ biến nhất theo các ngành nghề xây dựng vào năm tính toán. Trường hợp mức lương tại địa phương khác biệt với mức lương trung bình có trong bộ đơn giá hoặc trong những trường hợp mà có khả năng tăng lương thì cần phải điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp. Hàng quý mà thông thường là hàng năm người ta công bố lương nhân công theo 46 ngành nghề xây dựng tại 314 thành phố của Mỹ và Canada. Chi phí nhân công trong dự toán dựa trên dữ liệu thực tế mà bộ phận kế toán, hành chính của công ty xây dựng đã chi trả cho công nhân.
Chi phí máy xây dựng không chỉ bao gồm chi phí thuê máy mà còn bao gồm các chi phí vận hành trong điều kiện bình thường. Chi phí thuê máy được xác định trên cơ sở phân tích dữ liệu của khu vực Bắc Mỹ từ các nhà thầu, nhà cung cấp, người bán và nhà sản xuất thiết bị.
Cũng cần lưu ý là tại Mỹ rất phổ biến cách thức hình thành giá dự toán xây dựng thông qua việc xác lập dự toán cho một người một giờ công lao động tính với cả tổ đội, bao gồm chi phí gián tiếp và lợi nhuận. Cơ chế này nhằm tính toán chi phí bình quân đối với các nhân công của cả tổ đội, đảm bảo tính toán được phù hợp với sự linh hoạt trong chi phí chi trả cho từng cá nhân trong tổ đội. Dự toán chi tiết như vậy được công bố cho hàng trăm tổ đội với thành phần khác nhau đã làm đơn giản hóa việc lập dự toán xây dựng bằng phương pháp xác định dự toán từ khối lượng và bản vẽ thiết kế.
b) Bộ giá xây dựng Pháp
Bộ giá xây dựng Pháp dùng để xác định nhanh chi phí các công tác xây dựng (bảng 2)
(Bảng 2: Bảng giá xây dựng tổng hợp)
Mã giá xây dựng tổng hợp (1) | Giá xây dựng tổng hợp (2/3) € | ||||||||
Tên loại công tác hoặc kết cấu xây dựng, thành phần công tác (4) | |||||||||
Mã công tác thành phần (5) | Đơn vị đo công tác thành phần (6) | Tên công tác thành phần (7) | Số lượng (8) | Giá xây dựng tổng hợp | Chi phí tư liệu sản xuất | Hao phí nhân công | |||
Thành phần (9) | Tổng (10) (4×5) | Thành phần (11) | Tổng (12) (4×7) | Thành phần (13) | Tổng (14) (4×9) | ||||
(1) | (2) | (3) | (4) | (5) | (6) | (7) | (8) | (9) | (10) |
Giá xây dựng tổng hợp, chưa bao gồm thuế VAT | (15) | Tổng | D(16) | Tổng | A(17) | ||||
[(a(17) x B x C + (D(16) x E] x F = Đơn giá / giá xây dựng tổng hợp điều chỉnh theo địa phương (18) |
Bảng giá xây dựng tổng hợp gồm những dữ liệu dưới đây:
– Mã giá xây dựng tổng hợp theo Batiprix (R1070700003)
– Giá xây dựng tổng hợp làm tròn, bao gồm chi phí vật chất hay chi phí tư liệu sản xuất và chi phí nhân công, chi phí gián tiếp và lợi nhuận 10%, chi phí dự phòng;
– Đơn vị giá xây dựng tổng hợp;
– Tên giá xây dựng tổng hợp và phần mô tả, bao gồm các thông tin về thành phần công tác, máy, thiết bị xây dựng và vật liệu sử dụng
– Mã công tác thành phần theo Batiprix trong thành phần dự toán xây dựng (tổ hợp các công tác (cột 1);
– Đơn vị đo công tác thành phần (cột 2)
– Tên công tác thành phần theo Batiprix trong thành phần giá xây dựng tổng hợp (tổ hợp các công tác) (cột 3);
– Số lượng (khối lượng) các công tác thành phần tính cho 1 đơn vị giá xây dựng tổng hợp hoàn thành (cột 4);
– Giá 1 đơn vị công tác thành phần, không bao gồm thuế VAT (cột 5);
– Giá công tác thành phần cho 1 đơn vị giá xây dựng tổng hợp chung (tổ hợp các công tác) (cột 6), có được bằng cách nâng trị số cột 4 và cột 5;
– Đơn giá chi phí tư liệu sản xuất cho từng công tác thành phần, đã bao gồm hao hụt, không bao gồm chi phí gián tiếp và lợi nhuận (cột 7);
– Chi phí tư liệu sản xuất cho từng công tác thành phần (cột 8), có được bằng cách nhân trị số cột 4 và cột 7;
– Hao phí nhân công trung bình có từng công tác thành phần, tính bằng giờ công và 1/1000 giờ công;
– Hao phí nhân công cho từng công tác thành phần trong thành phần giá xây dựng tổng hợp (cột 10) có được bằng cách nhân trị số cột 4 và cột 9;
– Giá xây dựng tổng hợp đầy đủ bằng €, chưa bao gồm thuế, đã bao gồm chi phí tư liệu sản xuất và nhân công cũng như chi phí gián tiếp và lợi nhuận 100% (không làm tròn);
– Tổng chi phí tư liệu sản xuất trong giá xây dựng tổng hợp đầy đủ (tổ hợp các công tác);
– Công thức điều chỉnh giá dự toán tổng hợp cho điều kiện địa phương:
[(A x B x C) + (D x E) x F = Giá điều chỉnh cho điều kiện xây dựng tại địa phương.
Trong đó:
A – Hao phí nhân công cần thiết để thực hiện tổ hợp các công tác (17);
B – Đơn giá giờ công địa phương;
C – Hệ số chi phí gián tiếp điều chỉnh chi phí nhân công địa phương;
D – Tổng chi phí tư liệu sản xuất trong giá xây dựng tổng hợp đầy đủ, không bao gồm chi phí gián tiếp và lợi nhuận (16);
E – Hệ số chi phí gián tiếp điều chỉnh chi phí tư liệu sản xuất;
F – Hệ số điều chỉnh lợi nhuận và chi phí không lường trước.
Phân tích các bộ dự toán của Mỹ và Pháp cho thấy giữa chúng có một số cách tiếp cận chung giống nhau.
– Tên của các bộ dự toán xây dựng không có thuật ngữ “định mức” là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thị trường;
– Các cơ quan chức năng nhà nước không phê duyệt cũng như không ràng buộc phải áp dụng các bộ dự toán xây dựng này;
– Điều kiện thi công xây dựng được mô tả chung nhất. Tác giả của các bộ dự toán này sử dụng các thuật ngữ tương đối tự do;
– Trong các bộ dự toán này công nhân không phân loại theo cấp bậc thợ. Bảng so sánh giờ công theo nghề nghiệp của công nhân (không tính các công nhân phụ) được dẫn ra như bảng 3.
STT | Loại công việc | Giờ công trung bình | |
Bộ định mức Pháp, € | Bộ định mức Mỹ, $ | ||
1 | 2 | 3 | 4 |
1 | Thi công xây lắp | 23,61 | 42,15 – thợ xây 46,80 – thợ làm cốt thép |
2 | Công tác trát | 23,61 | 37,30 |
3 | Kết cấu thép | 24,77 | 46,90 |
4 | Cấp thoát nước | 24,85 | 52,05 |
5 | Kỹ thuật điện | 24,57 | 49,00 |
6 | Kết cấu gỗ. Thợ mộc | 24,51 | 41,55 |
7 | Sơn trong nhà và các công tác hoàn thiện | 24,13 | 35,35 |
8 | Các công tác kính và gương | 24,58 | 40,2 |
9 | Các công tác ốp lát | 24,87 | 39,35 |
10 | Đơn giá cao nhất | 28,80 (các công việc cách nhiệt) | 61,70 (lắp ráp thang máy) |
11 | Đơn giá thấp nhất | 23,61 (các công việc xây dựng chung) | 35,40 (thợ làm mái) |
(Bảng 3: Bảng so sánh giờ công theo nghề nghiệp của công nhân [13,14])
Kết luận về việc hình thánh giá dự toán công trình theo như kinh nghiệm của 2 bộ dự toán nêu trên:
– Các bộ dự toán chi phí này dùng để tham khảo cho các đối tượng lập dự toán và không mang tính bắt buộc. Bộ dự toán Mỹ và đặc biệt là Pháp hầu hết việc quản lý và hình thành giá theo giá thị trường của công tác, cấu kiện xây dựng. Các cấu kiện, công tác này đã được quy định chi tiết cụ thể trong các tiêu chuẩn đo bóc khối lượng và định dạng chung.
Tuy nhiên 2 bộ dự toán của Mỹ và Pháp cũng có những khác biệt nhất định.
– Bộ dự toán của Mỹ là lần ban hành thứ 68, còn Bộ dự toán của Pháp là lần thứ 2. Chu kỳ cập nhật, thay mới cũng khác nhau;
– Trong đó dự toán Mỹ, giá dự toán phân chia chi phí trực tiếp theo các khoản mục kinh tế. Bộ dự toán của Pháp thì ngược lại, giá dự toán là giá xây dựng tổng hợp, trong đó có chỉ ra giá của từng công tác thành phần;
– Trong bộ dự toán của Pháp, giá xây dựng tổng hợp bao gồm 2 thành phần: chi phí vật chất (vật liệu và máy xây dựng) và chi phí nhân lực (chi phí lương công nhân xây dựng, không tính công nhân điều khiển máy).
– Trong bộ dự toán Mỹ sử dụng hệ đơn vị đo của Anh, còn bộ dự toán của Pháp sử dụng hệ đơn vị đo SI;
2.2. Hệ thống dự toán Liên bang Nga
Tại Liên bang Nga (LB Nga) hiện có 2 trường phái đối nghịch nhau về cách tiếp cận quá trình hình thành giá xây dựng: trường phái thứ nhất chủ trương tăng cường vai trò kiểm soát của nhà nước, trường phái thứ hai ngược lại, chỉ hình thành các cơ cấu thị trường để điều tiết giá.
Tại Nga trước năm 2008, nhà nước không kiểm soát chi phí dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước, chỉ tiêu dự toán xây dựng công bố chỉ mang tính tham khảo. Trong đó không có các công cụ phân tích để định giá công trình xây dựng trong các giai đoạn chuẩn bị dự án, do vậy giai đoạn ra quyết định phân bổ vốn đầu tư ngân sách nhà nước, giai đoạn thiết kế công trình thì tổng mức đầu tư xây dựng là không chính xác. Kết quả là giá trị quyết toán xây dựng công trình sai lệch rất lớn so với tổng mức đầu tư xây dựng ban đầu, thạm chí vượt đến 200%.
Để thay đổi tình hình, từ năm 2008 chức năng kiểm soát quá trình hình thành chi phí dự toán xây dựng được chuyển giao cho Bộ phát triển vùng LB Nga. Đã đưa ra quy định về việc thành lập Trung tâm thống kê chỉ tiêu dự toán liên bang mà trong đó áp dụng những chỉ tiêu chi phí này để xác định tổng mức đầu tư xây dựng / dự toán xây dựng công trình sử dụng vốn nhà nước, cũng như quy định báo cáo, cung cấp dữ liệu về những chi phí dự toán có trong các tập chỉ tiêu này để kiểm soát và cập nhật. Ngày nay, tất cả các chỉ tiêu về chi phí dự toán xây dựng ngành và địa phương trước khi áp dụng đều phải được phê duyệt của Bộ Phát triển vùng LB Nga cho phù hợp với chỉ tiêu về chi phí liên bang.
Hệ thống chỉ tiêu dự toán xây dựng do Bộ Xây dựng LB Nga và Bộ Phát triển vùng LB Nga ban hành bắt buộc áp dụng đối với các chủ đầu tư cho các dự án xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước mà không phụ thuộc vào loại hình doanh nghiệp. Đối với các dự án sử dụng vốn khác chỉ mang tính tham khảo. Chi phí dự toán xây dựng tại các địa phương cần phù hợp với các chỉ tiêu chi phí liên bang. Chi phí dự toán xây dựng tại các địa phương được phê duyệt của Bộ phát triển vùng được công bố công khai trên website của Bộ, theo đó thành viên xây dựng đều được tiếp cận dễ dàng.
Hệ thống chi phí dự toán xây dựng Nga tương tự như Việt Nam. [9, 10]
Gxd = Gxd-gt + LN (1)
Trong đó: Gxd – dự toán xây dựng; Gxd-gt – giá thành dự toán xây dựng; LN – lợi nhuận định mức.
Gxd-gt = CP tt + CP gt (2)
Trong đó: CPtt – chi phí xây dựng trực tiếp; CPgt – chi phí xây dựng gián tiếp.
CPtt = V+NC+M (3)
Trong đó: V – chi phí vật liệu; NC – chi phí nhân công; M- chi phí máy thi công.
CPgt= CPhc + CPtcct + CPcn + CPk (4)
Trong đó: CPhc – chi phí hành chính; CPtcct – chi phí tổ chức thi công trên công trường; CPcn – chi phí phục vụ công nhân xây dựng; CPk – chi phí khác.
Trong các giai đoạn khác nhau của quá trình đầu tư, người ta sử dụng các loại chỉ tiêu về chi phí gián tiếp khác nhau: a) Chỉ tiêu chi phí tổng hợp theo loại công trình xây dựng (dân dụng, công nghiệp, giao thông…); b) Chỉ tiêu chi phí theo loại công tác xây dựng ; c) Chỉ tiêu chi phí riêng của doanh nghiệp. Chỉ tiêu chi phí gián tiếp theo loại công việc, tỷ lệ thuận với chi phí lao động của công tác xây lắp: từ 80% của công tác thi công đất bằng tay, đến 155% công tác bê tông trong xây dựng dân dụng. Đối với các công tác sửa chữa xây dựng thì thấp hơn nhiều: từ 75% đến 108%.
Phụ thuộc vào các bước thiết kế, người ta sử dụng các loại chỉ tiêu chi phí lợi nhuận khác nhau: a) Chỉ tiêu chi phí lợi nhuận chung theo ngành; b) Chỉ tiêu chi phí theo loại công tác xây dựng; c) Chỉ tiêu chi phí lợi nhuận riêng của doanh nghiệp. Chỉ tiêu chi phí loại nhuận chung theo ngành đối với công tác xây dựng là 65% chi phí lao động (lao động trực tiếp và công nhân lái máy), đối với công tác sửa chữa là 50%.
Chỉ tiêu chi phí lợi nhuận dự toán theo loại công việc, tỷ lệ thuận với chi phí lao động công tác xây lắp: từ 45% của công tác thi công đất bằng tay, đến 100% công tác bê tông, bê tông cốt thép trong xây dựng dân dụng. Đối với các công tác sửa chữa xây dựng thì thấp hơn nhiều: từ 45% đến 80%.
Tương tự như Việt Nam, tại Nga người ta sử dụng 3 phương pháp xác định dự toán xây dựng.
– Phương pháp xác định theo khối lượng và hao phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công cần thiết và bảng giá vật liệu, giá nhân công, giá máy và thiết bị thi công tương ứng;
– Phương pháp xác định theo khối lượng và hao phí vật liệu, nhân công, máy và thiết bị thi công, giá máy và thiết bị thi công tương ứng, và chỉ số giá;
– Phương pháp xác định theo khối lượng và giá xây dựng công trình (đơn giá xây dựng chi tiết không đầy đủ và giá xây dựng tổng hợp không đầy đủ) và chỉ số giá.
3. Đề xuất đổi mới hệ thống hình thành giá xây dựng tại Việt Nam
Nghiên cứu kinh nghiệm hình thành giá xây dựng tại các nước phát triển và phân tích những bất cập của hệ thống hình thành giá xây dựng tại Việt Nam hiện nay cho thấy việc đổi mới hệ thống hình thành giá xây dựng Việt Nam là cần thiết.
Mô hình hình thành giá dự toán xây dựng cần dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản sau đây: 1) Xây dựng cơ sở dữ liệu chính xác, minh bạch và cập nhật thường xuyên; 2) Áp dụng phương pháp xác định chi phí xây dựng phù hợp với từng giai đoạn thực hiện dự án; 3) Bảo đảm lợi ích giữa các bên khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Mô hình này đảm bảo quyền lợi của nhà nước, cũng như các thành viên thị trường: nhà nước có khả năng sử dụng hiệu quả ngân sách của mình, còn thị trường thanh lọc những thành viên không có khả năng tìm ra các giải pháp kinh tế hữu hiệu.
Trong phạm vi bài viết có thể kể đến một số giải pháp như sau:
– Cần xây dựng quy chuẩn về bộ phận kết cấu công trình cụ thể để hướng đến việc hình thành và quản lý giá theo bộ phận kết cấu công trình để đảm bảo việc thống nhất trong việc quản lý chi phí đầu tư xây dựng và hình thành giá xây dựng. Xây dựng hệ chỉ tiêu phân chia bộ phận kết cấu công trình cụ thể áp dụng cho tất cả các loại hình công trình thống nhất áp dụng;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu chung về giá của các công tác xây dựng và bộ phận kết cấu công trình đã được thi công nghiệm thu để quản lý một cách linh hoạt;
– Nhà nước cần ưu tiên kiểm soát quá trình hình thành giá thông qua quản lý về giá xây dựng, không quản lý về định mức để đảm bảo khuyến khích việc ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao năng suất lao động của các nhà thầu Việt Nam;
– Cần ban hành cập nhật phương pháp tính toán, hình thành giá xây dựng thông qua các định mức năng suất cơ sở. Khi sử dụng định mức năng suất cơ sở kết hợp với giá thành thị trường của vật liệu, nhân công, máy thi công cho hệ thống bộ phận kết cấu công trình đã được phân chia cụ thể thì việc hình thành giá sẽ đáp ứng được các yếu tố về chất lượng và tiến độ dự án cụ thể đảm bảo tính đúng, tính đủ chi phí;
– Xây dựng cơ sở dữ liệu về vị trí và giá của các mỏ vật liệu rời theo các khu vực địa phương để quản lý thống nhất, đảm bảo việc không bị đột biến về giá. Đối với các vật liệu khác cần xây dựng cơ sở dữ liệu cập nhật, bổ sung công bố giá cả theo thời điểm của thị trường đảm bảo kịp thời cho người sử dụng.
– Đẩy mạnh việc đào tạo nâng cao, đào tạo lại, mở rộng các hình thức đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành xây dựng đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguồn nhân lực cho các công trình trọng điểm, có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, đòi hỏi cao về kỹ thuật xây dựng. Xây dựng các tiêu chí sử dụng nhân sự đã qua đào tạo tại các công trình thuộc quản lý của nhà nước.
– Xây dựng cơ chế tiền lương và các chế độ ưu đãi đối với người lao động ngành xây dựng phù hợp với điều kiện lao động đặc thù của ngành và phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo thu hút nhân sự có chất lượng cao.
– Xây dựng các chế tài để quản lý và khuyến khích ưu đãi trong việc phát triển thị trường thuê máy móc thiết bị, nhất là các loại máy móc công nghệ cao. Chuyên môn hóa các loại hình này đảm bảo tăng năng suất lao động.
– Cần khuyến khích về cơ chế chính sách đối với các dự án tiết kiệm năng lượng và các dự án có ứng dụng công nghệ cao bằng các hình thức hỗ trợ thiết thực về thủ tục hành chính và thủ tục tài chính.
4. Kết luận
So sánh với hệ thống hình thành giá xây dựng tại các nước phương Tây, cách tiếp cận hiện nay của Việt Nam và LB Nga có những ưu điểm nhất định. Trên cơ sở quy định tiêu chuẩn định mức hao phí thời gian và tài nguyên, người quyết định đầu tư các dự án sử dụng vốn nhà nước và các loại tổ chức chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách nhà nước có sở sở pháp lý vững chắc để ra các quyết định quản lý và đưa ra những quy tắc để kiểm tra hồ sơ dự toán. Từ đó có cơ sở pháp lý vững chắc để quyết toán ngân sách nhà nước, bởi vì cách tiếp cận này theo quy chuẩn và rõ ràng. Cách tiếp cận kiểu chuẩn hóa thống nhất cho phép sử dụng dự toán xây dựng như là tài liệu chính thức để xác định chi phí các công tác xây dựng và được sử dụng khi có tranh chấp giữa các pháp nhân và thể nhân tại tòa án.
Nghiên cứu hệ thống hình thành giá của Nga, Mỹ, Pháp và Việt Nam cho thấy không thể chia thành các hệ thống tốt và xấu, tiên tiến và lạc hậu. Mỗi quốc gia có đặc thù riêng trong việc xây dựng hệ thống quản lý chi phí. Bằng cách so sánh hệ thống hình thành giá trên đây có thể tìm ra được sự phụ thuộc trực tiếp của hệ thống này vào đặc thù của quốc gia này hay quốc gia khác.
Kết quả phân tích các hệ thống hình thành giá khác nhau đã đưa đến kết luận về sự cần thiết phát triển hệ thống hình thành giá dự toán xây dựng của Việt Nam bằng cách xây dựng thực tế, cần đổi mới và cập nhật thường xuyên (cập nhật máy và thiết bị thi công xây dựng, vật liệu và các cấu kiện mới, công nghệ mới), công bố các định mức năng suất cơ sở, công bố các quy định đo bóc theo bộ phận kết cấu công trình cụ thể thống nhất trên cả nước. Quản lý hệ thống các vật liệu, thiết bị máy móc cũng như hệ thống đào tạo nhân lực một cách hiệu quả.